Tiền Bối Của John Kelly Cũng Không Thể Hội Nhập

23 Tháng 5 2018

Nguyễn Thanh Việt
Tác giả là nhà văn và nhà giáo, đã đến Hoa Kỳ dưới dạng tỵ nạn Việt Nam

Tôi đã quên bãng một kỷ niệm về mẹ tôi khi bà ngồi một mình, cất giọng đọc lớn từ một tờ thông báo của nhà thờ. Với trình độ học vấn tiểu học, đó là cách duy nhất bà có thể đọc. Là một đứa trẻ Mỹ lưu loát tiếng Anh, tôi thấy thương cho mẹ, và có lẽ, cũng len thêm một chút hổ thẹn.  

Ký ức đó đã trở lại trong tôi qua những lời nói của ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly, khi ông tả những người di dân bất hợp pháp đến từ biên giới phía Nam như những người “khó có thể đồng hóa vào xã hội Hoa Kỳ, vào xã hội tân tiến của chúng ta.”  

“Họ hầu hết là dân quê mùa. Họ đến từ những xứ mà bình thường trình độ học vấn chỉ đến lớp bốn, năm, hoặc sáu. Họ không nói được tiếng Anh.” Ông Kelly nói, “Họ khó mà hội nhập được, họ đâu có kỹ năng chuyên môn nào. Họ không phải là người xấu. Họ có lý do để đến đây. Và tôi thông cảm với lý do của họ. Nhưng luật là luật.” 

Ông Kelly cảm thấy thương hại những người này. Trong số đó, cũng giống như mẹ tôi, có người sinh ra từ vùng thôn quê. Nhưng ông Kelly—giống như Tổng thống Trump, mới tuần trước đây đã gọi một số di dân trái phép nào đó là “đồ súc vật”— không thể thông cảm cho họ. Tầm nhìn lãnh đạm của họ lại được nhiều người Mỹ chia sẻ.     

Ngay cả một số bạn bè Việt-Mỹ của tôi, những người mà, dù đã đến đất nước này dưới dạng di tản tỵ nạn chiến tranh, cũng cho rằng Hoa Kỳ không nên nhận thêm bất cứ người tỵ nạn nào nữa, nhất là những người từ các nơi như Syria. Một vài người, như ông thị trưởng Mỹ gốc Việt của thành phố Westminster, California, nơi đông đảo dân Việt hải ngoại cư ngụ nhất, còn kêu lên rằng Hoa Kỳ không nên nhận thêm bất cứ người di dân trái phép nào nữa, vì trong bọn họ có cả “bọn tội phạm”.

Chúng ta là những người tỵ nạn lương thiện, họ lập luận như vậy. Còn dân mới đến là những người tỵ nạn xấu.   

Từng lớn lên trong cộng đồng tỵ nạn người Việt ở San Jose, California trong những thập niên 1970 và 1980, tôi có thể chứng nhận rằng đã có rất nhiều người tỵ nạn xấu trong chúng ta.  Gian lận phúc lợi. Lừa gạt bảo hiểm. Hối lộ. Bạo lực băng đảng, với biệt tài riêng đột nhập tư gia.

Tất cả những xấu xa đó đều đã được lãng quên. Người Mỹ gốc Việt giờ đây đã là phần tử của “thiểu số khuôn mẫu”, những người tin rằng họ đã tự thành đạt, đã không nhờ hoặc chỉ nhờ rất ít vào sự trợ giúp của chính phủ. Những người đó chẳng khác gì ông Kelly, hậu duệ của người di dân Ái Nhĩ Lan và Ý, gồm người lao động không có tay nghề với lõm bõm vài câu tiếng Anh. Quên lãng nguồn gốc là đặc tính chung của mọi người Mỹ, bởi chúng ta tin rằng đây là đất nước của sự khởi đầu.  

Điều mà một số người trong chúng ta thường quên là gần như trong mỗi thời điểm của lịch sử đất nước, những người đã được pháp luật công nhận là công dân Mỹ đều kiếm ra được những mục tiêu mới để gán cho cái tội không thể đồng hóa: dân bản địa, Mễ thua cuộc, dân nô lệ, hoặc những di dân mới, loại chung là dân-da-mầu.  

Năm 1751, ngay cả trước khi lập quốc, Benjamin Franklin đã viết rằng “Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi cục diện của nước tôi, bởi tính thiên vị là điều tự nhiên trong nhân loại.“ Ông ưa chuộng “tiếng Anh” và “dân trắng,” và không muốn Pennsylvania trở thành một “thuộc địa của kẻ ngoại bang”, những kẻ “không bao giờ chấp nhận ngôn ngữ hoặc phong tục của chúng ta, cũng như họ không thể có được màu da như chúng ta”. Ông ám chỉ người Đức.     

Người Mỹ gốc Đức bây giờ được coi là “dân trắng”, phần vì màu da, phần vì cách suy nghĩ, và phần vì quan điểm.  Chính sự “trắng hóa” đó đã cứu người Mỹ gốc Đức để họ tránh cảnh bị tống hàng loạt vào các trại giam trong thời Đệ Nhị Thế Chiến như trường hợp dân Mỹ gốc Nhật. Từ những bài học lịch sử như vậy, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một số người Mỹ gốc Việt háo hức vứt bỏ quá khứ tỵ nạn của mình, luôn cả ký ức vì sao chỉ có 36 phần trăm dân Mỹ chấp nhận người Việt tỵ nạn sau 1975.     

Cái lựa chọn đó hiện hữu trong lòng mỗi di dân tỵ nạn và hậu duệ của họ. Ông Kelly và một số người Mỹ gốc Việt đã chọn quên đi quá khứ của mình hoặc thay vào đó, tự khoác cho mình và gia đình mình cái can trường, tự lập, tốt đẹp của người Mỹ, hơn hẳn những di dân hoặc tỵ nạn mới nhất, cũng như đầy đe dọa nhất.  Vì quên đi dĩ vãng, những người Mỹ này lại tái diễn cảnh khởi đầu của đất nước—với nỗi lo sợ triền miên đối với những ai đen đậm hơn, khác biệt hơn.   

Tôi chọn cái ký ức về lòng dũng cảm của mẹ tôi, và thưở ban đầu đó trước khi bà trở thành một công dân Mỹ và đổi tên thành Linda. Tên cúng cơm của bà là Bảy, số 7, vì gia đình người Việt đông con thường gọi con bằng số cho dễ, thay vì gọi tên. Cùng với bố tôi, với học vấn bậc trung học, mẹ đã vươn lên từ cảnh quê mùa nghèo khổ để trở thành một người thương gia thành công qua những quyết định rất liều lĩnh, trong đó quyết định đầu tiên là rời miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Bố mẹ tôi đành mất gần như tất cả trong sự chọn lựa liều lĩnh nhất để di tản sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1975.                

Khi tôi chúng kiến cảnh mẹ cất cao giọng đọc một mình, bà đã khởi sự làm ăn ở Mỹ được hơn chục năm rồi, và một lần nữa, đã trở thành một thương gia thành công. Bà bị bắn một lần ờ ngay trong tiệm bà, lúc đó tôi không có mặt, và một lần khác bị một tên cướp chĩa súng vào mặt tại nhà, lần này thì tôi đã chứng khiến.

Mẹ tôi không thạo tiếng Anh, nhưng trong công việc bà đã giỏi đủ để đóng góp tiền thuế nhiều hơn nhiều người Mỹ. Bà đã từng và luôn tục là người can đảm, nhưng nhiều người Mỹ coi bà chỉ là kẻ ngoại cuộc, kề cả cái người đã treo bảng trên cửa sổ một tiệm gần tiệm thực phẩm của bố mẹ tôi tại San Jose: “Thêm một người Mỹ mất kế sinh nhai vì dân Việt.”   

Nhờ những gì mẹ đã làm, giờ đây tôi đã ăn học thành tài và có một mái ấm, để tôi cũng có thể trở thành một người Mỹ dễ quên, nóng lòng muốn được những người Mỹ khác chấp nhận, và sẵn sàng chứng tỏ cái Mỹ tính của mình bằng cách ngăn chận những người như cha mẹ tôi vào đất nước này. Nhưng tôi tự cảm thấy mình là một trong những người Mỹ gốc Việt—và rât nhiều người trong chúng ta—đã không hề quên mình phải đồng hành với những người di dân và tỵ nạn, với người nghèo khổ và bị bỏ rơi, những người với hoàn cảnh rất giống mẹ tôi.

Bà có cần đâu lòng thương hại hay sự hổ thẹn của tôi.  Chỉ cần lòng bác ái và kính trọng.

(Nguồn)