Không phài Là Một Ngẫu Nhiên: Tháng Năm là Tháng Mừng Di Sản Của Người Mỹ Châu Á -Thái Bình Dương & Tháng Nhận Thức Về Sức Khỏe Tâm Thần

14 Tháng 2017

Anh Thu Bui, M.D.

Tiểu Sử: Bác Sĩ Bui Thu Anh sinh tại Saigon. Ba năm sau khi chiến tranh Vietnam kết thúc, bà vượt biên tị nạn cùng gia đình lúc 11 tuổi. Bà là một bác sĩ tâm thần của cộng đồng trong 20 năm qua tại Cali.

Bệnh Tâm Thần (Thần Kinh): ba chữ ấy nghe như một lời nguyền rủa ghê gớm không lối thoát.

Chúng ta không dám đả động đến nó, có lẽ vì những triệu chứng của căn bệnh này đi đôi với cách phát biểu và hành vi mà đôi khi gắn liền với cá tính của ta, hoặc vì chúng ta không tránh khỏi phải đáp ứng một cách tiêu cực khi nhìn thấy tâm thức con người chìm đắm trong gọng kiềm đáng sợ của bệnh tật.

Một lúc nào đó trong cuộc đời, một trong bốn người chúng ta sẽ sa vào một giai đoạn trầm cảm. Ba trong mười người sẽ trải qua một giai đoạn rối loạn tâm thần, được hiểu là tách rời với thực tế thuờng ngày.  Một trong mười người sẽ trở thành điên loạn. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng quen biết một người trong gia đình hay cộng đồng mang bệnh tâm thần.

Lúc trẻ, ông tôi đã từng bị đầy đọa bởi căn bệnh này, và trong một thời gian ngắn dưới thời Pháp Thuôc, đã từng bị giam giữ. Một người chủ ác nghiêt đã làm ông lo âu kịch liệt, đưa đến trầm cảm. Ông tôi mất trí, và khi mất ngủ ông viết lên tường những phẫn nộ tiềm ẩn, điên cuồng. Tôi không thể tưởng tượng một người nho nhã, vui vẻ như ông mà lại mất tự chủ, huống chi đến độ mất trí khôn như thế. Tôi chưa từng được biết khía cạnh này của ông, cho đến khi tôi hỏi mẹ.

Khi tôi trở thành một bác sĩ tâm thần và biết cách đưa ra những câu hỏi chính xác, lịch sử bệnh thần kinh của gia đình mở ra nhiều chương, qua nhiều thế hê. Bà tôi, một người suốt ngày nằm trên phản, khi về già đã rơi vào trạng thái mất trí nhớ và khả năng phản ứng. Chú tôi nghiện ngâp, với những vết sẹo đầy tay mà không ai nói đến, đã té và chết chỉ trong khoảnh khắc do đứt mạch máu đầu.  Bố tôi, người đã từng trải qua một tuổi thơ ấu trong đầy đọa, đói khát, chiến tranh, thuờng la hét giận giữ, tuyệt vọng mà sau này tôi mới hiểu là PTSD (Bệnh Hậu Thuơng Tâm Lý). Nhiều người trong gia đình tôi đã tìm đến tự tử như một biện pháp giải thoát khi bị chấn động, mất mát, tranh chấp. Ngay cả trong một văn hóa mà ta thuờng quan niệm rằng tự sát là biện pháp chánh đáng nhât để khỏi xấu mặt, cúi đầu chấp nhận mất mát một cách điềm tĩnh, những phản ứng căng thẳng tự hủy hoại trong gia đình tôi đã có xu huớng quá độ.

Dĩ nhiên, tất cả những điều trên dựa trên hồi tuởng, đôi khi giống như một sự chẩn bệnh, nhưng với riêng tôi, thông hiểu bệnh Hậu Thuơng Tâm Lý của bố đã giúp tôi trút bỏ các ký ức nặng nề và đau thuơng của những ngày tháng tự cô lập, cộng với những cơn phẫn nộ bất chợt, hút thuốc liên miên và uống rượu. Có nghĩa rằng bố tôi không phải chỉ là môt kẻ ác nghiệt hay say sưa, nhưng là một người chịu nhiều đau khổ ngay từ tuổi ấu thơ. Và cũng có nghĩa đó không phải lỗi của tôi, tôi không có khả năng giúp bố khi còn bé. Khi bỏ nhà ra đi tôi đã không ruồng bỏ gia đình, nhưng tôi cần tìm một con đường cho riêng mình. Khi thẳng thắn tiết lộ bệnh tâm thần của bố, hoặc của mình, tôi đã không phản bội truyền thống hay văn hóa Viêt nhưng đã nỗ lực gom ghép các sự kiện lại để tìm ra kết nối, để hiểu thấu lịch sử chiến tranh tan hoang của chúng ta, và di sản đau thuơng hỗn loạn đã được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình tôi.

Lúc bé, vì thuờng sầu muộn, tôi hay bị ác mộng và trải qua những giai đoạn chán đời, nặng đến nỗi có lần tôi đã viết thư tuyệt mệnh trước khi lái xe đến một bờ vực trên biển, tìm lối giải thoát. Cảnh sát đã ngăn tôi kịp thời, và đã tử tế đủ để nhỏ nhẹ khuyên tôi rằng bệnh viện tâm thần của quận hạt không phải là nơi có thể giúp tôi tìm ra giải đáp.  Vào lúc ấy, trạc hai mươi, tôi phải quyết định tìm một con đường mới, một con đường không bị ám ảnh bởi những đau khổ của quá khứ. Tôi nhớ mãi chỗ rẽ đó, một bên là bi thảm, bên kia le lói hy vọng, là sống còn. Tôi phải tìm ra lối thoát; tôi đã chọn con đường sống. Tôi đâm đầu vào đủ loại sách tự trị; những cuốn ấy không mang đến phép lạ, nhưng ít nhất chúng giúp tôi biết rằng mình không cô đơn. Không những thế, tôi còn có nhiều bạn đồng hành. Tôi khám phá mình cần được gần gũi với người khác trong xã hôi, và mặc dù tôi sống thiên về nội tâm, loay hoay một mình trong thế giới riêng biệt ắt sẽ đưa đến những ý tưởng đen tối tang thuơng. Vì thế, thay vì chôn mình vào việc nghiên cứu lịch sử, tôi chọn ngành y khoa.

Chương trình học nghiêm ngặt là phương pháp hữu hiệu nhất giúp tôi tập trung tư tưởng. Nhưng những lo sợ khủng khiếp cũ vẫn còn đấy; một hôm tôi phải bỏ chạy khỏi lớp dạy về bạo lực và vi phạm tình dục để trốn trong nhà tắm, khóc sướt mướt mà không hiểu vì sao. Một người bạn thân giúp tôi tìm đến môt cố vấn tâm lý, người đã giúp tôi sống sót thêm bốn năm nữa. Kinh nghiệm điều trị này chắc chắn đã là một lý do chính để tôi chọn khoa thần kinh sau này. Đến lúc ấy, tôi đã vững chân, đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, và sự điều trị không ngừng không những đã giúp tôi chữa bệnh mà còn cần thiết để tôi trưởng thành trong nghề nghiệp với cương vị một y sĩ tâm thần. Tôi đã tìm đến môt chuyên gia về phuong pháp tâm lý của Freud, sau đó trong nhiều năm lại theo một chuyên gia tuyệt vời khác dưới phuong pháp của Jung. Tôi đã tham gia các khóa huấn luyện về thôi miên và thiền định, tĩnh tâm, và áp dụng phương pháp thiền định tâm. Tôi ngỡ tôi đã thông hiểu mọi thứ.

Sau khi tốt nghiệp y khoa, vợ chồng tôi ra nước ngoài để làm việc ở những khu vực thiếu kém như chúng tôi đã từng mơ ước. Bao nhiêu khám phá mới lạ, bao nhiêu ngao du tuyệt vời. Tôi học bơi, khắc phục cả một đời sợ nước, rồi học lặn sâu dưới sự giúp đỡ của những người bạn hết sức kiên nhẫn. Tôi cứ tưởng là mình sẽ yêu biển, và quả thế, nhưng sóng nước chòng chành đã khiến tôi buồn nôn, chóng mặt. Tôi ngỡ mình bị say sóng, cho đến khi nhận ra ấy là những cơn hoảng loạn. Tôi đã không nghĩ đến những ký ức còn tắt nghẽn khi thoát chạy khỏi Việt Nam trên chiếc tầu sông mỏng manh, trong những đêm đen vô hướng dưới lòng tầu với bao người rên rỉ ói mửa vì say sóng và hãi sợ.  Đến nay tôi vẫn hay quên; háo hức theo một cuộc thám hiểm nào đó, tôi lên tầu hoặc máy bay, để rồi khi chao đảo, cơn hoảng hốt lại ào đến, kéo tôi trở về nơi khi tôi chỉ mới 11 tuổi, sợ hãi vì biết rằng chung quanh mình những người lớn cũng hãi sợ, không tin sẽ sống (Gần như không ai biết bơi, chen chúc trên môt con tầu tí tẹo với 1 tuần thực phẩm và nước sông để uống). Điều duy nhất giúp tôi trải qua những đêm dài vô tận dưới hầm tàu ấy, là mỗi khi cửa hầm tầu bên trên được mở ra cho thoáng khí, tôi nhìn thấy chòm sao Lạc Hộ. Tôi nhìn mãi chòm sao đó đến khi mặt trời mọc.

Những vết thương tuổi thơ đã khiến tôi không màng có con trong bao năm. Đốc thúc bởi thời gian, một thoáng lạc quan mang đến cho tôi 1 bé gái xinh xắn, sanh tại gia vài ngày trước sinh nhật 40 của tôi. Sau vài tháng nuôi con sơ sanh, những cơn ác mộng lại trở về, cùng với quỷ dữ và nỗi kinh hòang. Ký ức hãi sợ từ thời thơ ấu chưa biết nói, cảm giác dễ bị hủy diệt, những lo âu chằng chịt cúa người làm mẹ lần đầu kéo tôi trở về những thế hệ trước.  Lúc mới ba tháng, con gái đầu lòng của mẹ tôi đã qua đời vì bị tiêu chảy và mất nước, một nguyên nhân bình thuờng tại Việt Nam trong thập niên 60. Tôi là đứa con thay thế chị mình, nên sự gắn bó mẹ con bị rắm rối do vết thuơng lòng chưa lành trong mẹ. (Sau này tôi khám phá rằng bà tôi cũng đã mất 2 con, 2 người anh trên mẹ, do bệnh tinh hồng nhiêt—có lẽ vì thế mà bà thường bất ổn và cau có, và sự gắn bó của bà và mẹ cũng bị ảnh huởng).  Những đau thuơng và lo sợ ấy vượt thời gian trở về với tôi, và tràn ngập trong tôi là cảm giác yếu đuối, mỏng manh của một bé sơ sinh. Tôi phải trở lại điều trị, tìm sự dìu dắt để thoát khỏi những cơn giông bão đen tối để an toàn về bến. Trong năm năm, chuyên gia tâm lý đã giúp tôi khơi lại những ký ức chồng chất qua mấy thập niên, được truyền qua gien và máu huyết, để tôi hiểu được những nỗi đau cũ, để đối phó mỗi khi chúng trở lại hoành hành, và giảm bớt nỗi sợ là những khổ đau đó sẽ truyền sang con gái.

Nhiều năm sau, ngay cả đến bây giờ, tôi vẫn rơi vào những giai đoạn trầm cảm và lo lắng.  Tôi biết những cảm giác ấy sẽ qua đi. Tôi hiểu đó là những lúc tôi cần nghỉ ngơi, cuốn tròn như kén, co mình để rồi vươn lên trở lại. Tôi nghĩ đến những đóa hoa huớng dương ở làng Mai bên Pháp nơi tôi đã đến (với mẹ) tìm tuệ giác của thầy Thích Nhất Hạnh mà chữa bệnh. Hoa huớng dương lúc nào cũng huớng và xoay theo quỹ đạo của mặt trời. Tôi cũng hướng về tia hy vọng ấy, có lúc lạc quan hơn lúc khác, nhưng tôi bám chặt lấy hy vọng đó từng ngày cho bệnh nhân của mình. Là một bác sĩ tâm thần phục vụ cộng đồng, tôi tiếp xúc với nhiều người với cả một đời đau thuơng. Nhiều người hỏi là đã bao giờ chính tôi trải qua những cơn tâm thần và nghiện ngập chưa. Tôi trả lời bằng cách hỏi lại là tại sao họ cần biết điều đó, phải chăng họ cần sự cảm thông, hay liên hệ? Trí óc của chúng ta không chỉ là một bộ phận nhận thức; Nó cần thiết cho bản sắc ta, chất người trong ta, và khi đầu óc lâm bệnh, nó trở nên độc hại, có khi hủy hoại chính ta. Đôi khi chúng ta tìm cách cô lập căn bệnh, nhưng trước sau gì chúng cũng bung ra hoành hành vào lúc bất ngờ nhất.

Với tôi, những khoảnh khắc quan trọng ấy là lúc tôi nhận ra rằng tôi cần được giúp đỡ, và do may mắn được bè bạn, điều trị gia trợ giúp, những người đã chịu khó lắng nghe tôi, đã dìu dắt tôi qua khỏi những khung cảnh đau thuơng. Không cách gì tôi có thể tóm tắt lại hết cách điều trị nào đã chữa bệnh cho tôi— nói cho cùng, nó là ở sự hướng dẫn thân tình đã cùng tôi chứng kiến, cùng tôi trải qua những giây phút thê thảm nhất, qua bao nước mắt và căm phẫn tuyệt vọng mà đưa đến sự thấu cảm và chấp nhận. Tôi không khẳng định là tôi đã bình phục hoàn toàn, hoặc gia đình tôi đã trọn vẹn, nhưng hôm đám ma của bà, bố tôi đã xin lỗi tôi, và tôi đã tha thứ cho ông.

Đã lâu rồi, trong căn nhà ấu thơ của chúng tôi, bố tôi có vài bộ truyền thuyết Việt Phật. Một trong những câu chuyện tôi thích nhất là chuyện của Mục Kiền Liên đã xuống sâu vào lòng địa ngục để cứu mẹ, người bị đầy đọa do đã sống một cuộc đời độc ác và tội lỗi. Câu chuyện này tồn tại trong tôi, hình ảnh vị Bồ Tát bế mẹ ra khỏi bể khổ triền miên, ngụ ý là khi giúp đỡ người khác chính ta kết hợp bản thân với bản chất giác ngộ của mình. Lời nguyền của bệnh thần kinh không nhất thiết phải lưu truyền qua các thế hệ, ta có thể chấm dứt sự đầy đọa bằng cách chắp nối lại những phần khổ đau trong ta, đưa chúng thoát khỏi bóng tối, ra ánh sáng. Đàm thoại về bệnh tâm thần của mình giúp ta thông cảm với những người bị đầy đọa khác, mặc dù mỗi người đau đớn một cách khác nhau. Chính vì chia sẻ với nhau mà chúng ta vẫn nuôi hy vọng biến bệnh tật thành một trải nghiệm điều trị, và mặc dù lắm khi đầy vết thương lòng, ta vẫn có thể trở thành một mô hình mạnh mẽ hơn, tử tế hơn của chính ta.

Trang Thiết Bị/Phục Vụ:

The Jed Foundation -Tổ Chức để bảo vệ sức khỏe tâm thần và phòng trừ tự vận cho giới trẻ

Đường Giây Gọi Cơ Quan Phòng Ngừa Tự Sát1-800- 273-TALK (8255)
@800273TALK

Khi bị khủng hoảng, viết về số 741-741

Dịch Vụ Điều Trị Lạm Dụng Dược Chất và Phục Vụ Sức Khỏe Tâm Thần (SAMHSA)
Đường giây Quốc Gia Phòng Chống Tự Tử  1-800- 662-HELP (4357)
Tìm Nơi Chữa Trị Sức khỏe Hành Vi

Trung Tâm Phòng Ngừa Tự Sát–Tiếng Việt
877-727- 4747 mỗi ngày từ 4:30 chiều đến 12:30 đêm

KHUYÊN GIẢI/HỌC HỎI:

Trung Tâm Pháp Lý quyền của người tàn tật

Sức khỏe Tâm Thần Tại Hoa Kỳ

Liên Minh Quốc Gia Về Bệnh Tâm Thần

Liên Hiệp Ủng Hộ Trẻ Em và Gia Đình  

Chú Thích:

Mục Kiền Liên, tiếng Phạn gọi là Maudgalyayana, là 1 trong nhũông đệ tử của Đức Phật Shakyamuni.
Nguồn: https://www.buddhistdoor.net/news/vietnamese-buddhists- honor-parents-in-vu- lan-festival & http://www.buddhistchannel.tv/index.php?id=55,6981,0,0,1,0